Giỏ hàng
Tập 5:  Tiêu chuẩn điện nước - CHIA SẺ KINH NGHIỆM XÂY DỰNG TRUNG TÂM CHĂM SÓC XE

Tập 5: Tiêu chuẩn điện nước - CHIA SẺ KINH NGHIỆM XÂY DỰNG TRUNG TÂM CHĂM SÓC XE

Đăng bởi: Nguyễn Thu Phương   |   17/08/2023

Xin chào các bạn! Chào mừng các bạn đến với series chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trung tâm chăm sóc xe của DC Auto. Hôm nay, DC Auto chia sẻ tới bạn bài viết tập 5: Tiêu chuẩn điện nước, bài viết chia sẻ về các khoản chi phí đầu tư trang thiết bị cho hệ thống nước và hệ thống điện trong mỗi trung tâm chăm sóc xe. Để các bạn có thể hình dung rõ hơn và dự trù được phần nào đó chi phí đầu tư cho phần điện nước này. Cùng DC Auto đọc bài viết chia sẻ dưới đây nhé.

Lựa chọn nguồn nước và nguồn điện như thế nào cho phù hợp

Có thể nói nguồn điện và nguồn nước cho trung tâm chăm sóc xe là hai phần đặc biệt quan trọng không thể thiếu. Vậy trung tâm chăm sóc xe nên sử dụng nguồn nước như nào? Nước giếng khoan hay nước máy? Ở tại các xã, huyện ở một số tỉnh thành đã có nước sạch sử dụng hết chưa? Về nguồn điện thì nên dùng điện 220V hay 380V? Dùng nguồn điện nào thì sẽ hợp lý hơn? Cùng DC Auto đi phân tích cụ thể cho từng vấn đề, từng ưu nhược điểm của mỗi lựa chọn về nguồn điện và nước sử dụng sao cho phù hợp với trung tâm chăm sóc xe nhé.

Tiêu chuẩn nguồn nước

Về nguồn nước thì không phải ở đâu cũng đã được lắp và sử dụng nguồn nước sạch, đã qua xử lý. Ở một số vùng miền do chưa có hệ thống nhà máy xử lý nước sạch và ở đây vẫn tìm, đào được nguồn nước ngầm sạch nên họ vẫn sử dụng nước giếng khoan làm nước sinh hoạt chính.

Ưu nhược điểm của nước giếng khoan đối với công việc chăm sóc xe trong trung tâm chăm sóc xe

Để sử dụng nguồn nước giếng khoan cho công việc vệ sinh chăm sóc xe bạn cần lựa chọn và đảm bảo nguồn nước phải sạch, không bị nhiễm chì, sắt hoặc nhiều cặn vôi. Khi sử dụng nguồn nước bị nhiễm kim loại nặng khi vệ sinh rửa bề mặt sơn hay các chi tiết trên xe ô tô sẽ gây ra hiện tượng rỉ sét, ăn mòn, làm ố màu sơn xe, dễ quan sát thấy nhất chính là phần lazang, đĩa phanh, làm chuyển màu gầm xe rất là nhiều. Không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chăm sóc xe, nước giếng khoan khi có nhiều tạm chất còn ảnh hưởng đến các thiết bị máy móc sử dụng trong trung tâm chăm sóc xe (các tình trạng ố, rỉ sét, đóng cặn, mạt sắt, giảm tuổi thọ máy). 

Nếu các bạn muốn sử dụng nguồn nước giếng khoan để sử dụng cho trung tâm chăm sóc xe thì cần đảm bảo về nguồn nước cấp vào, phải có hệ thống bể chứa và hệ thống bể lọc để loại bỏ các tạp chất, cận bẩn. Hạn chế nhất các rủi ro do nguồn nước gây ra để đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc xe được tốt nhất.

Đối với việc sử dụng nguồn nước giếng khoan thì sẽ giúp cho trung tâm chăm sóc xe của bạn tiết kiệm được kha khá một khoản chi phí tiền nước hàng tháng. Chỉ mất tiền điện và các chi phí đầu tư bồn nước và máy bơm, chi phí khoan giếng ban đầu.

Sau đây là một số chi phí về việc đầu tư trang thiết bị cho nguồn nước trong trung tâm chăm sóc xe mà các bạn có thể tham khảo:

Bồn chứa nước

Các bạn có thể lựa chọn bồn chứa nước bằng nhựa hoặc inox có dung tích bình chứa khác nhau ( tuyệt đối không sử dụng bồn chứa nước bằng nhựa cho sử dụng trong sinh hoạt ăn uống hàng ngày).

Thông thường nên dùng bồn chứa 2000 lít là hợp lý, giá thành dao động từ 5 đến 6 triệu đồng/ bồn chứa nước tuỳ vào chất liệu bồ chứa và khu vực.

Chi phí khoan giếng 

Với giếng khoan ở độ sâu tầm 20-30m ở khu vực đồng bằng, nguồn nước ngầm nông thì giá khoan giếng dao động từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng cho việc thi công khoan giếng. Còn khoan giếng ở vùng đồi núi, mạch nước ngầm khó và sâu hơn thì giá thành cho việc khoan giếng sẽ cao hơn rất nhiều, có thể lên đến 6 triệu đồng, 10 triệu đồng cho một giếng khoan.

Máy bơm nước

Muốn sử dụng nguồn nước giếng khoan thì máy bơm là thiết bị không thể thiếu. Các bạn cần mua một máy bơm để hút nước từ dưới lên sử dụng, từ ống, khoá, máy bơm sẽ rơi vào tầm 1.5 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Ngoài các chi phí cơ bản này ra các bạn cũng cần phải dự trù thêm một khoản chi phí nữa để đầu tư hệ thống ống dẫn nước, hệ thống bể lọc nếu có.

Ưu nhược điểm của nước máy đối với công việc chăm sóc xe trong trung tâm chăm sóc xe

Với nguồn nước sử dụng là nguồn nước máy thì sẽ đảm bảo được chất lượng dịch vụ hơn cho các bạn làm nghề. Hạn chế được việc làm ố vàng lớp sơn xe khi rửa, hạn chế được việc ăn mòn các chi tiết bằng kim loại trên xe ô tô. Nâng cao được tuổi thọ của các sản phẩm, máy móc trong trung tâm, hạn chế được tình trạng đóng cặn, mạt sắt trong các máy móc sử dụng nguồn nước,..

Việc sử dụng nguồn nước sạch ngoài các chi phí đầu tư ban đầu thì các bạn còn mất thêm chi phí sử dụng nước hàng tháng. Tăng thêm chi phí cho trung tâm, nhưng đây là một khoản chi phí đầu tư rất hợp lý và cần thiết. Nâng cao được chất lượng phục vụ và giữ chân được khách hàng đến trải nghiệm, sử dụng dịch vụ trong trung tâm chăm sóc xe của mình.

Để sử dụng nước sạch bạn cần đăng ký sử dụng và lắp đặt hệ thống nước sạch. Thường việc đăng ký lắp đồng hồ sử dụng nước sẽ mất tầm 3.5 triệu đồng đến 4 triệu đồng cho một đồng hồ nước mới. Và để sử dụng nước cho trung tâm chăm sóc xe bạn cần đăng ký sử dụng nguồn nước cho kinh doanh. Giá nước sử dụng kinh doanh hiện giờ rơi vào khoảng 22 000 đồng/m³.

Đối với việc sử dụng nguồn nước sạch bạn nên có bồn chứa nước, nên bơm nước lên bồn chứa để Clo trong nước có thời gian bay hơi. Giúp tránh được tình trạng ăn mòn kim loại, các chi tiết của xe ô tô. Và bồn nước lên được thiết kế để ở độ cao tầm 2m so với máy rửa xe để đảm bảo được áp lực nước cung cấp cho máy rửa xe.

Tiêu chuẩn nguồn điện

Nguồn điện là một phần rất quan trọng trong việc hoạt động của trung tâm chăm sóc xe. Nguồn điện cũng chính là một trong những yếu tố để đưa ra quyết định cho việc đầu tư các trang thiết bị, máy móc ban đầu trong trung tâm chăm sóc xe. Sử dụng nguồn điện 1 pha hay 3 pha?

Điện 1 pha

Điện 1 pha là nguồn điện hiệu điện thế giữa 2 dây là 220V, được sử dụng chính cho sinh hoạt gia đình, công suất thiết bị nhỏ, các thiết bị không bị hao phí về điện năng nhiều. Chính vì vậy khi đầu tư trang thiết bị, máy móc cho trung tâm bạn cần lưu ý đến điều này để lựa chọn mua đúng các thiết bị sử dụng nguồn điện áp 220V.

Ưu điểm của điện 1 pha chính là các bạn sẽ không mất chi phí đăng ký sử dụng, chi phí lắp đặt đồng hồ. Sử dụng và đóng tiền điện theo cấp độ tiêu dùng, vì là hình thức sử dụng điện kinh doanh nên mức giá theo kw sẽ cao hơn khá nhiều so với điện sinh hoạt.

Nhược điểm của việc sử dụng điện 1 pha chính là nguồn điện áp không ổn định, tại một số giờ cao điểm sẽ không đủ điện áp để các trang thiết bị, máy móc hoạt động. Rất dễ gây nên các tình trạng chập cháy, giảm tuổi thọ của các trang thiết bị, máy móc. Không thể đầu tư sử dụng các thiết bị, máy móc có công suất lớn hơn, mạnh hơn. Giá điện luỹ kế phải chi trả tiền điện hàng tháng sẽ rất cao.

Điện 3 pha

Giá trị điện 3 pha tại Việt Nam sử dụng là 380V/3F. Đây là nguồn điện được sử dụng cho việc truyền tải, sản xuất công nghiệp, sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn để giải quyết vấn đề tồn hao điện năng. Ở một số khu vực, hộ gia đình có sẵn hệ thống điện 3 pha, họ sẽ lắp đặt thêm một chiếc ổn áp 3 pha để lấy đầu ra 220V phục vụ cho sinh hoạt. Và gần như hầu hết các trung tâm chăm sóc xe vừa và lớn đều đầu tư, sử dụng nguồn điện 3 pha để hoạt động.

Ưu điểm của nguồn điện 3 pha chính là có thể cung cấp điện được cho các thiết bị có công suất lớn trong nhà xưởng hoạt động, dòng điện khoẻ, có tính ổn định cao. Chi phí tiền điện hàng tháng giảm.

Còn về phần nhược điểm của điện 3 pha có lẽ đó chính là chúng ta phải mất thêm chi phí và thời gian đăng ký lắp đặt sử dụng hệ thống điện 3 pha với đơn vị Điện Lực. Và toàn bộ chi phí vật liệu, nhân công lắp đặt cho hệ thống điện trong trung tâm chăm sóc xe. Chính vì điều này mà đối với các trung tâm mới xây dựng, đang xây dựng hay dự kiến xây dựng phải xác định rõ nguồn điện sử dụng, để có thể đầu tư trang thiết bị và hoàn thành mạng lưới điện một cách đồng nhất.

Chi phí đăng ký sử dụng điện 3 pha ban đầu khá cao và không phải khu vực nào cũng đăng ký được. Chi phí đăng ký điện sẽ cố định theo từng quận, huyện, tỉnh, thành phố. Thông thường ở các thành phố lớn như Hà Nội, việc đăng ký và thi công lắp đặt nguồn điện 3 pha chi phí rơi vào khoảng 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Cũng có một số khu vực tỉnh thành khác việc thi công và đăng ký điện rẻ hơn rất nhiều, chỉ tầm 5-6 triệu đồng.

Chi phí đi dây 3 pha từ trụ điện gần nhất vào xưởng, hiện tại ở các thành phố sẽ đi ngầm, nên các bạn hình dung việc người ta phải đào vỉa hè, nhấc gạch lên, đi dây đến xưởng rồi lại lát lại gạch, nó khá mất công nên tiền công sẽ cao hơn ở những khu vực đó. Như bên DC Auto có đi dây từ tủ điện của khu vực vào đến hộp điện 3 pha của xưởng mất 15m dây, đi ngầm dưới vỉa hè có lát gạch thì mất 24 triệu đồng cho chi phí kéo điện này.

Thông thường một trung tâm chăm sóc xe sẽ đăng kí từ 20-25 KW điện và đăng ký sử dụng điện kinh doanh. Đối với điện kinh doanh và điện sản xuất sẽ có giá điện khác nhau. Các bạn hãy lưu ý và hỏi rõ vấn đề này cho khu vực của mình nhé.

Mong rằng những gợi ý trên của DC Auto sẽ giúp các bạn hình dung được phần nào về việc làm điện – nước như thế nào cho hợp lý. Để đảm bảo đủ tiêu chuẩn của ngành, các bạn sẽ tốn khoảng 30 triệu đồng cho phần liên quan đến điện – nước này. Nếu cần tư vấn thêm, hãy liên hệ cho DC Auto theo số hotline 0963512338, để được trao đổi cụ thể hơn nữa nhé! 

Xem thêm: Tập 4: Trần nhà xưởng - CHIA SẺ KINH NGHIỆM XÂY DỰNG TRUNG TÂM CHĂM SÓC XE

Cảm ơn các bạn đã luôn tin tưởng và theo dõi DC!

 

VIẾT BÌNH LUẬN:
0963512338