Giỏ hàng
Tập 1: Xây dựng nền nhà xưởng - Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Trung tâm chăm sóc xe

Tập 1: Xây dựng nền nhà xưởng - Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Trung tâm chăm sóc xe

Đăng bởi: Nguyễn Thu Phương   |   13/04/2023

Xin chào các bạn! Sau một thời gian dài thực chiến đi setup, tư vấn mở các trung tâm, nhà xưởng chăm sóc xe hơi, DC Auto thấy có rất nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng nhà xưởng mà khách hàng gặp phải và băn khoăn cần tư vấn. Chính vì vây, DC Auto đã lên một series riêng chuyên về kinh nghiệm xây dựng nhà xưởng, các khoản dự trù chi phí phát sinh khi xây dựng cho một Trung tâm chăm sóc xe để các bạn có thể tham khảo thêm và phần nào tính toán, nắm rõ được chi phí cần đầu tư. Cùng đến với tập đầu tiên trong series này của DC Auto nhé.

Tập 1: Xây dựng nền nhà xưởng 

Nền nhà xưởng chính là khu vực, phần quan trọng nhất chúng ta cần phải xử lý, xây dựng đầu tiên. Có được phần nền chắc chắn thì mọi thứ theo sau cũng được đảm bảo.

Hiểu rõ được phần nền nhà xưởng và kiểu nền muốn đầu tư xây dựng

Phần móng nền khi bước vào thi công gặp rất nhiều vấn đề, có nhiều móng nền bị sạt lở, chính vì vậy các bạn cần có cố vấn xử lý mặt nền của các chuyên gia đã có kinh nghiệm trong vấn đề này. Sau khi đã trao đổi, tư vấn cách xử lý phần móng nền như thế nào, DC Auto sẽ lên bản thiết kế kỹ thuật vẽ mặt bằng 2D, bản vẽ thiết kế công năng xưởng 3D. Từ đó giúp các bạn hình dung ra được nhà xưởng, trung tâm chăm sóc xe sẽ như thế nào, bước vào công tác thi công sao cho tối ưu được các chi phí và đúng chức năng, nhu cầu, công năng của xưởng nhất.

Các bạn muốn đầu tư xây dựng nền nhà xưởng kiểu như thế nào? Chỉ đổ bê tông, lát gạch hay lắp sàn nhựa? 

Cùng DC Auto đi tìm hiểu và phân tích ưu nhược điểm từng kiểu nền, cũng như chi phí phát sinh dự trù cho từng kiểu nền như thế nào nhé.

1. Đổ nền bê tông 

- Với những xưởng đã có nền bê tông sẵn rồi thì rất tốt. Các bạn chỉ cần kiểm tra lại xem cốt nền đã đạt tiêu chuẩn: nền phẳng, không mấp mô, không bị đọng nước, đủ độ dày bê tông hay chưa. Để khi xe ô tô vào đảm bảo mặt nền không bị đọng nước, không bị gãy, nứt. Như vậy bạn đã tiết kiệm được một khoản chi phí cho phần này rồi.

- Với các nhà xưởng chưa có nền, vẫn nền đất hay có nền bê tông sẵn rồi nhưng nền bê tông tráng mỏng thì các bạn vẫn nên đổ lại nền bê tông cho nhà xưởng. Sau đây là các khoản chi phí phát sinh các bạn có thể tham khảo khi lựa chọn phương án đổ nền bê tông:

Đầu tiên, cần lựa chọn, xác định xem xưởng chịu tải trọng tầm bao nhiêu? Thì thường trong các Trung tâm chăm sóc xe hơi hay đón các dòng xe ô tô có chịu tải tầm 4 tấn. Với mức chịu tải như vậy thì bê tông tươi loại mác 300 hoặc 350 cát vàng là phương án ổn nhất để làm nền bê tông. Bề mặt lên sẽ rất đẹp, không bị bụi ở trong xưởng. Còn về độ dày bê tông thì các bạn nên đổ tầm 15cm - 20cm, không nên đổ mỏng quá sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng gãy nền. Các bạn cần lưu ý cán nền có độ dốc ra ngoài phía hố ga để tránh nước đọng trong xưởng.

Với diện tích 1m² nhà xưởng hoàn thiện sẽ cần 0.05-0.06m³ bê tông. Đơn giá bê tông gợi ý cho khu vực Hà Nội hiện tại là 1.070.000 đồng/m³. Giá bê tông sẽ có sự chênh lệch ở các vùng miền trên cả nước, các bạn tham khảo để có báo giá tốt nhất ở khu vực của mình.

Ngoài khoản chi phí chi trả cho bê tông tươi ra, còn hai khoản chi phí nữa phát sinh khi bạn lựa chọn đổ nền bê tông đó chính là thuê thợ cán nền, xây hố ga và đánh bóng nền. Mức giá thuê thợ thi công nền gợi ý 40.000 đồng/m². Khi nền bê tông đã đủ độ se mặt, thời gian khoảng gần 5 tiếng thì chúng ta cần đánh bóng nền, lúc nền bê tông vẫn còn độ ẩm giúp xử lý các phần nền bê tông bị cao, mấp mô, vá phần nền ăn chặt lại với nhau. Cắt nền sau khi láng bê tông để xây dựng rãnh thoát nước cho xưởng, chi phí cho việc đánh bóng và cắt nền sẽ phụ thuộc vào độ dài rãnh bao nhiêu, sâu bao nhiêu thì giá nó sẽ khác nhau, nhưng đơn giá gợi ý thi công vào khoảng 50.000 đồng/m².

- Để cho sạch và nhìn nhà xưởng được đẹp hơn nữa các bạn có thể đầu tư sơn epoxy cho nền nhà xưởng, có thể chọn màu tuỳ thích và chia khung. Còn đối với những nền bê tông đánh bóng lại nền rồi thì có thể lau chùi thoải mái.

- Ưu điểm của đổ nền bê tông chính là chi phí đầu tư hợp lý, dễ dàng vệ sinh, dễ dàng thay sửa khi cần thiết.

2. Lắp sàn nhựa

- Một số nhà xưởng đã có nền bê tông rồi, tuy nhiên nền bê tông chưa đảm bảo đủ điều kiện, lớp bê tông tráng mỏng mà các bạn không muốn đổ lại bê tông thì có thể chuyển sang phương án lắp sàn nhựa chịu lực. 

- Ưu điểm của việc sử dụng sàn nhựa lắp ghép chính là sạch, tính thẩm mỹ cao, chuyên nghiệp, có thể di chuyển tái sử dụng.

- Nhược điểm của viêc sử dụng sàn nhựa lắp ghép là việc khó vệ sinh, dễ bị két bẩn đất cát bên dưới lâu ngày gây mùi.

Nếu các bạn vẫn muốn lắp sàn nhựa thì có thể thi công lắp đặt theo DC Auto dưới đây:

Sàn nhựa thường có diện tích 40*40cm thì cứ khoảng 35cm nên cắt một đường rãnh rộng khoảng 5-7cm để toàn bộ nước khi đọng trên phần sàn có thể thoát hết đi được. Chiều sâu cắt khoảng 30cm, càng sâu càng tốt để có độ thoát nước tốt hơn, có độ dốc từ bên trong ra bên ngoài. 

Và chi phí gợi ý lắp sàn nhựa hiện nay rơi vào 190.000 đồng - 280.000 đồng/m² tuỳ theo độ dày sàn 2-3cm.

3. Lát gạch men, gạch đá hoa

- Với nền nhà xưởng các bạn muốn đầu tư lát gạch men, gạch đá hoa thì ưu điểm của nó chính là sạch, nhà xưởng nhìn sáng hơn và rất dễ vệ sinh, lau chùi mà không lo gạch có trơn hay không vì trên thị trường bây giờ có rất nhiều loại gạch trống trơn.

- Chi phí cho việc lát gạch rơi vào 145.000 đồng/m² với khổ gạch 60*60, khổ càng to thì sẽ càng đắt hơn và dễ vỡ hơn. Đi kèm với tiền mua gạch đó là tiền thuê thợ thi công lát gạch. Ở các khu vực tỉnh, giá công thợ lát nền sẽ mềm hơn, rơi vào 50.000 đồng/m², còn ở các khu vực thành phố như Hà Nội công thợ lát nền cao hơn 3-4 lần, rơi vào 200.000 đồng/m².

- Nhược điểm của nền nhà xưởng lát gạch men, đá hoa chính là chi phí sẽ cao hơn, không thể tái sử dụng được, phải có nền bê tông phẳng.

Các bạn có thể cân nhắc và lựa chọn các kiểu nền nhà xưởng mà bạn muốn thi công cho nhà xưởng, trung tâm chăm sóc xe của mình. 

Lắp đặt thi công móng cầu nâng 1 trụ

Cầu nâng 1 trụ là một thiết bị chuyên nghiệp cho mỗi Trung tâm chăm sóc xe, giúp nâng hạ ô tô một cách dễ dàng, thuận tiện cho việc rửa xe và sửa chữa xe ô tô, nâng cao độ chuyên nghiệp cho Trung tâm chăm sóc xe hơn.

Trong quá trình thi công phần nền nhà xưởng các bạn có nhu cầu đầu tư cầu nâng 1 trụ thì phần móng cầu nâng 1 trụ nên thi công cùng nền nhà xưởng. Phần này DC Auto sẽ có bảng gợi ý chi phí khi các bạn muốn lắp đặt cầu nâng 1 trụ. Ngoài chi phí mua cầu, các bạn sẽ chịu thêm những khoản chi phí sau đây để hoàn thiện lắp đặt 1 chiếc cầu nâng cho xưởng của mình:

- Tiền thuê máy xúc: Vì độ sâu của móng cầu cần đào là 2.7m, chúng ta cần thuê máy xúc để phục vụ công tác đào hố chôn tyben cầu. Máy xúc thường sẽ thuê theo tiếng hoặc theo ca, trung bình khoảng 500.000 đồng/ tiếng, thường thi công mất 4 tiếng đồng hồ. 

Lưu ý: Khi đào móng cầu các bạn cần lưu ý phần nền móng bên dưới là khu đất chặt đẹp hay là đất ở khu vực gần ao, hồ, sông hay phần đất bên dưới nhiều nước thì bạn nên chuẩn bị luôn phương án tìm chỗ mua cọc tre hoặc tấm tôn để chặn sạt lở cho móng cầu. Các vấn đề phát sinh sẽ làm kéo dài thời gian, tốn thêm chi phí nên các bạn hãy khảo sát khu vực trước để không bị động trong việc đào móng cầu.

- Chi phí mua ống cống, tấm bê tông chặn tyben cầu nâng: Đào móng cầu đủ độ sâu, cần hạ 1 tấm bê tông đan móng với 2 tầng sắt 8, độ dày khoảng 40cm, diện tích 1mx1m. Các bạn có thể đổ sẵn từ trước hoặc mua sẵn để khi đào móng cầu xong thì hạ xuống. Chi phí rơi vào khoảng 800.000 đồng cho tấm đan chịu lực như thế. 

Bên trên tấm bê tông hạ tiếp 2 ống cống tròn, lòng trong 70cm, chiều cao 1m, giá thị trường là 600.000 đồng/ 1 ống. Chi phí móng cầu rơi vào 800.000 đồng/ 1 móng cầu.

- Chi phí thuê xe đổ đất, cát thừa: Một khoản chi phí nữa sẽ phát sinh là khi đào móng cầu chúng ta cần chỗ để đổ đất cát thừa, chi phí thuê xe tải chở đất cát đi đổ mất 400.000 đồng/ xe tuỳ từng nơi, Trung bình sẽ mất 3-5 xe cho lượng đất cát thừa.

- Chi phí thuê ván gỗ be khung đặt mặt cầu nâng: Với khuôn cầu nâng, trước khi đổ bê tông cả xưởng các bạn có thể thuê ván gỗ be nền khuôn cầu lại. Sau khi lắp đặt sẽ xây những vị trí be ván sao cho cầu âm nền đẹp nhất. Chi phí thuê ván gỗ khoảng 500.000 đồng.

Vậy là các bạn đã có cái nhìn khái quát hơn về các loại chi phí làm nền khi xây dựng trung tâm chăm sóc xe rồi đúng không ạ? Các bạn hãy đón xem tập tiếp theo của DC AUTO trong series kinh nghiệm xây dựng xưởng nhé! Xin chào và hẹn gặp lại!

Các bạn có nhu cầu xây dựng, mở xưởng, trung tâm chăm sóc xe hơi thì hãy gọi ngay cho DC Auto theo số hotline: 0963512338 để được tư vấn và đồng hành nhé!

VIẾT BÌNH LUẬN:
0963512338